Cấp mã số mã vạch phải tuân thủ các nguyên tắc quốc tế

Bà Phạm Chi Lan, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI), đã khẳng định như vậy khi được hỏi về những tranh chấp trong hoạt động cấp mã số mã vạch ở nước ta hiện nay. Dưới đây là cuộc trao đổi ngắn của bà Chi Lan với TS bên lề diễn đàn Tổng kết hai năm thực hiện Luật Doanh nghiệp, diễn ra hôm qua tại Hà Nội.
– Theo bà, Hiệp hội Khoa học Kỹ thuật Mã số mã vạch hay Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng có thẩm quyền cấp mã số vật phẩm cho doanh nghiệp?

– Thực tế từ mấy năm nay, cả hai cơ quan này cùng được phép tham gia cấp mã số cho các doanh nghiệp. Còn bây giờ, mọi việc tùy vào chuyện phân xử của Nhà nước.

– Dưới góc độ một cơ quan đại diện cho quyền lợi của doanh nghiệp, bà có ý kiến gì về hoạt động cấp mã số mã vạch ở nước ta hiện nay?

– Theo tôi, trong những hoạt động mà Nhà nước không nhất thiết phải làm, thì cứ có thêm người cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp càng tốt. Chúng tôi chỉ muốn, dịch vụ nào mà người dân cần, doanh nghiệp cần thì nên để cho nhiều người cùng tham gia cung cấp dịch vụ đó.

– Nhưng sự tồn tại của hai cơ quan cùng tham gia hoạt động này là trái với quy định của Tổ chức Mã số mã vạch (EAN) Quốc tế?

– Cấp mã số cho doanh nghiệp là một hoạt động đặc thù, hơn nữa nó lại nằm trong một số khuôn khổ quốc tế, nên phải chấp hành những quy định chung của các nước. Theo quy định của EAN quốc tế thì chỉ có duy nhất một cơ quan làm việc này. Vì vậy, Nhà nước phải đứng ra làm trọng tài để xem giữa Hội Khoa học Kỹ thuật Mã số mã vạch và Tổng cục Tiêu chuẩn và Đo lường Chất lượng, nơi nào thích đáng để làm.

– Trong trường hợp cả hai cơ quan cấp cùng một mã số cho hai doanh nghiệp khác nhau thì hậu quả sẽ không nhỏ, vậy ý kiến của VCCI là gì?

– Thực tình, tôi cho rằng cái gì Nhà nước không nhất thiết phải làm thì không nên đứng ra mà để cho các tổ chức khác, cho xã hội tham gia với.

Theo: VnExpress.net