Rau có mã vạch

“Hơn một năm làm rau sạch, cái được nhất của chúng tôi là tạo ra những loại rau an toàn cho người tiêu dùng. Và điều chưa được là chúng tôi vẫn chưa hòa vốn…”. Ông Hồ Xuân Hưng, trưởng phòng kinh doanh của trung tâm Sao Việt, bỏ lửng câu nói khi được hỏi về chuyện kinh doanh của trung tâm.

Ý tưởng thiết lập một vùng rau an toàn đã xuất hiện ở ban lãnh đạo công ty bảo vệ thực vật An Giang từ năm 1996. Nhưng đến khoảng đầu năm 2003 người tiêu dùng mới biết đến rau an toàn của Sao Việt.

Rau sạch từ nguồn

Ðể kiểm soát được rau sạch từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, nhân viên của Sao Việt phải cùng ăn, cùng ở, cùng tham gia sản xuất rau sạch với nông dân. Hiện vùng rau an toàn của Sao Việt được trồng chủ yếu ở xã Tân Quý Tây, Hóc Môn, với tổng diện tích là 6 ha, thu hoạch trung bình 2 tấn/ngày.

Theo ông Hưng, rau an toàn phải được trồng ở những vùng mà nguồn nước, đất không có nhiều kim loại, và hàm lượng vi sinh cao. Sau khi phân tích nguồn nước và đất ở đây, Sao Việt chọn xã Tân Quý Tây làm vùng nguyên liệu cho rau an toàn. Sau khi tập huấn cho hơn 200 nông dân ở xã, Sao Việt chọn ra 20 hộ nông dân “có tâm huyết” nhất để trồng rau an toàn. Ðể kiểm soát dư lượng kháng sinh trong quá trình sản xuất, trung tâm xây dựng một bộ thuốc bảo vệ thực vật riêng cho vùng rau an toàn. Các nhân viên của Sao Việt giám sát gắt gao từ trồng đến công đoạn thu hoạch.

Với cách làm này, Sao Việt đã đưa ra thị trường những loại rau nhiệt đới, như khổ qua, cà tím, hành, quế, ngò, cải xanh, rau muống… an toàn cho người tiêu dùng. Hiện số hộ nông dân tham gia trồng rau sạch ở xã Tân Quý Tây đã ở mức 38 hộ.

Rau có mã vạch

Sau khi thu hoạch rau, trung tâm phải phân loại rau nhằm phân biệt từng lô rau tương ứng với từng hộ nông dân trồng rau an toàn. “Chúng tôi phải làm cách này để người nông dân phải có trách nhiệm với sản phẩm của mình, nếu sản phẩm rau đó có vấn đề”, ông Hưng nói.

Sau khi đưa rau về thành phố, tất cả các loại rau đều phải qua công đoạn rửa bằng nước ozone để tẩy sạch hàm lượng vi sinh còn sót lại trong rau. Qua khâu này, rau được phân loại và đóng gói theo từng mã vạch riêng trên bao bì sản phẩm. Theo ông Hưng, ưu điểm của mã vạch là, “chỉ cần nhấp chuột trên máy tính, chúng tôi có thể biết được khách hàng là ai, có tên tuổi địa chỉ nếu là khách hàng quen. Ai là người bán gói rau đó, thời gian bán, nông dân trồng… tất cả những thông số kỹ thuật đều kiểm soát được”. Ðây là cách quản lý hiệu quả và “an toàn nhất cho rau an toàn”, mà các chuyên gia của trung tâm thực hiện nhằm thuyết phục người tiêu dùng về tính an toàn của sản phẩm.

Chấp nhận giá nào?

Theo một đợt khảo sát của Sao Việt về mức độ chấp nhận của người tiêu dùng đối với rau an toàn, với mẫu là 600 người tiêu dùng ngẫu nhiên. Kết quả cho thấy, chỉ có 20% trong số này thực sự quan tâm đến rau an toàn, họ không bận tâm nhiều đến giá cả. Họ chấp nhận dùng rau an toàn với mức chênh lệch cao hơn so với giá thị trường từ 500 -1.000 đồng/kg rau.

“Kết quả khảo sát đã cho thấy những khó khăn của chúng tôi, vì chi phí bỏ ra để sản xuất 1kg rau an toàn cao hơn gần gấp đôi so với sản xuất bình thường, vì vậy chúng tôi không thể bán bằng giá thị trường được”, ông Hưng cho hay.

Một khó khăn khác mà Sao Việt đang gặp phải là hiện nay “có quá nhiều loại rau an toàn” trên thị trường, giá bán của họ rất cạnh tranh so với Sao Việt, vì chi phí sản xuất của họ rẻ hơn. Hiện rau sạch được bán ở Co-opmart có giá trung bình là 4.000 đồng/kg. Có những đơn vị chỉ bán rau an toàn với mức giá 3.000 – 3.500 đồng/kg. Trong khi đó, giá bán của Sao Việt là 5.000 đồng/kg cho người tiêu dùng, 3.500 đồng/kg rau các loại cho những bếp ăn tập thể và bếp ăn công nghiệp. Doanh số mỗi ngày của Sao Việt chỉ đạt được 10 triệu đồng/ngày.

Ða dạng sản phẩm tươi sống

Mặc dù gặp khó khăn, ông Hưng cho biết, Sao Việt đang từng bước đa dạng hóa các mặt hàng của mình để thu hút khách hàng. Ngoài các loại rau nhiệt đới hiện có, công ty cũng vừa đầu tư thêm một vùng rau sạch ở Lâm Ðồng, để sản xuất thêm những loại rau ôn đới khác, như bắp cải, xúp lơ, khoai tây…. Bên cạnh đó, trung tâm còn đưa thêm sản phẩm gạo của công ty bảo vệ thực vật An Giang vào 10 đại lý rau an toàn ở TP.HCM. “Tâm lý người tiêu dùng muốn thuận lợi hơn trong việc nội trợ. Ngoài rau sạch, gạo, thời gian tới chúng tôi sẽ đưa thêm các loại thực phẩm tươi sống khác vào bán ở những cửa hàng rau sạch của Sao Việt”, ông Hưng nói.

Sao Việt tin tưởng rằng, họ vẫn đủ sức để cạnh tranh và tồn tại, nhằm duy trì được những sản phẩm rau an toàn. Ông Hưng cầm trên tay một bó cải còn tươi non, trầm ngâm thổ lộ: “Mục tiêu lớn nhất của chương trình là tái đầu tư lại cho nông dân, khi họ dùng thuốc bảo vệ thực vật của công ty chúng tôi và tạo ra sản phẩm rau an toàn cho người tiêu dùng. Sao Việt đã hoàn thành được điều này, vấn đề còn lại chỉ là thời gian…”.

Nguồn: Internet