ĐTDĐ đọc được mã vạch hàng hóa

Công nghệ mã vạch tích hợp vào những máy điện thoại di động mở ra một triển vọng về liên kết chúng với các vật thể hữu hình. Chỉ với một hình vuông khảm hai màu đen và trắng, song nó chứa đựng vô số thông tin hơn là hệ thống mã vạch truyền thống.
Những camera gắn trên máy điện thoại thực hiện chức năng quét mã vạch, sau đó các mật mã được dịch thành hình ảnh video, âm thanh hay văn bản hiển thị lên màn hình của điện thoại.Trong nhiều năm qua, những trường đại học của Mỹ và công ty công nghệ tiến hành thử nghiệm những mật mã đó tại các phòng thí nghiệm. Đến nay, những chiếc điện thoại có trang bị camera và khả năng chạy tương thích một số phần mềm, đã bắt đầu ứng dụng cho một số tiểu bang, mã hoá giấy phép lái xe hoặc mục đích thương mại như thanh toán con tem bưu chính.

So với những công nghệ khác đang phát triển hướng tới mã vạch như sóng radio, chip máy tính, hay hệ thống định vị vệ tinh, thì kỹ thuật mã vạch cho điện thoại di động có ưu thế nhất về tính đơn giản cũng như chi phí thấp, cho phép mỗi cá nhân có thể xuất bản mã vạch của họ lên các loại ấn phẩm hay website bán sản phẩm.

HP, Motorola và Microsoft là những hãng đang quan tâm đến công nghệ này. Ở Nhật Bản, những hãng viễn thông di động hàng đầu đã tích hợp tổ hợp đọc mã vạch lên những mẫu điện thoại mới. Hàng triệu người có thể sử dụng điện thoại để tự xây dựng tổ chức kinh doanh theo mọi hình thức thay cho các tấm biển quảng cáo đồ sộ trên phố, các lĩnh vực kinh doanh đa dạng từ ấn phẩm văn hoá cho tới thực phẩm đóng gói.

Những khách hàng của McDonald có thể thông qua hệ thống mã vạch mà nắm bắt đủ các thông tin về dinh dưỡng của nó hiển thị trên màn hình điện thoại. Hay thông qua mã vạch trên tạp chí, điện thoại có thể cung cấp cho chủ nhân mọi thông tin đời sống từ quảng cáo dịch vụ bảo hiểm, giá vé chuyến bay cho tới thông tin về các bộ phim đang ăn khách nhất.

Nguồn: Vũ Anh Tú (theo CNET)